Tọa đàm: "THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN ĐÀO TẠO THẠC SĨ Y HỌC CỔ TRUYỀN ĐÁP ỨNG CHUẨN ĐẦU RA” và lễ dâng hương tưởng niệm Đại Thiền sư Tuệ Tĩnh
07/03/2023

         Ngày 06/03/2023, nhằm ngày 15 tháng 02 âm lịch, là ngày giỗ của Đại Danh y - Thiền sư Tuệ Tĩnh, đây cũng là một trong hai ngày truyền thống của ngành Y Dược cổ truyền Việt Nam, Khoa Y học cổ truyền– Đại học Y Dược Thành phố. Hồ Chí Minh đã tổ chức buổi Tọa đàm: "Thực trạng và giải pháp phát triển đào tạo thạc sĩ Y học cổ truyền đáp ứng chuẩn đầu ra”.

         Tham dự buổi Tọa đàm có:

  • Về phía chuyên gia: NGƯT. PGS. TS. Nguyễn Thị Bay, Chủ tịch Liên chi hội Đông Tây y kết hợp TP.HCM, nguyên Phó Trưởng Khoa Y học cổ truyền – Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh.
  • Về phía nhà tuyển dụng: BS. CKII. Hà Thị Hồng Linh, Phó Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền TP. Hồ Chí Minh.
  • Về phía đại diện nhà trường: BS. Nguyễn Khánh Chi, thành viên Phòng Đảm bảo chất lượng giáo dục và Khảo thí.
  • Về phía Khoa YHCT: PGS.TS. Trịnh Thị Diệu Thường – Trưởng Khoa Y học cổ truyền, Trưởng Cơ sở 3 Bệnh viện Đại học Y Dược; ThS. BS. Nguyễn Văn Đàn – Phó Trưởng Khoa YHCT, Trưởng Đơn vị Đảm bảo chất lượng giáo dục Khoa, Cùng với sự tham gia của hơn 40 Thầy, Cô là giảng viên cơ hữu trực tiếp tham gia công tác giảng dạy tại Khoa Y học cổ truyền và hơn 30 học viên, cựu học viên sau đại học chương trình thạc sĩ Y học cổ truyền.

         Nội dung chính trong buổi Tọa đàm: 

  • PGS.TS. Trịnh Thị Diệu Thường phát biểu khai mạc, tuyên bố lý do của buổi tọa đàm với chủ đề: “Thực trạng và giải pháp phát triển đào tạo thạc sĩ Y học cổ truyền đáp ứng chuẩn đầu ra”. Kết quả của buổi tọa đàm này nhằm giúp Khoa đánh giá và tiếp tục hoàn thiện chương trình đào tạo thạc sĩ Y học cổ truyền đáp ứng chuẩn đầu ra và yêu cầu của các bên liên quan.
  • ThS. BS. Trần Thu Nga đại diện Tổ QLĐT trình bày báo cáo về khung chương trình đào tạo và chỉ số đầu ra của chương trình đào tạo Thạc sĩ Y học cổ truyền. Hiện tại, chương trình đào tạo thạc sĩ YHCT tại Khoa được chia làm hai định hướng là thạc sĩ nghiên cứu và thạc sĩ ứng dụng. Khung chương trình đào tạo của cả hai định hướng này đều gồm 60 tín chỉ, được đánh giá dựa trên 07 chuẩn đầu ra của chương trình (03 chuẩn đầu ra về kiến thức, 02 chuẩn đầu ra về kỹ năng và 02 chuẩn đầu ra yêu cầu về tự chủ và trách nhiệm).
  • Ths. BS. Cao Thị Thúy Hà đại diện Đơn vị đảm bảo chất lượng của khoa trình bày báo cáo về kết quả khảo sát ý kiến các bên liên quan về đào tạo thạc sĩ Y học cổ truyền tại Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Nhìn chung các bên liên quan đều đánh giá cao chất lượng đáp ứng chuẩn đầu ra của học viên của Khoa Y học cổ truyền, trong đó phía nhà tuyển dụng có những phản hồi tích cực nhất.
  • Phần tham luận của giảng viên gồm có ThS. BS. Nguyễn Thái Linh – Phó Trưởng Bộ môn Nội khoa Đông y và ThS. BS. Ngô Thị Kim Oanh – Phó Trưởng Bộ môn Châm cứu báo cáo về thực trạng và giải pháp phát triển chương trình đào tạo đáp ứng chuẩn đầu ra tại các bộ môn có tham gia giảng dạy chương trình thạc sĩ YHCT.
  • Đến với buổi tọa đàm, Khoa YHCT hân hạnh được đón tiếp NGƯT. PGS. TS. Nguyễn Thị Bay với những chia sẻ sâu sắc về đào tạo bậc thạc sĩ YHCT từ lúc tuyển sinh khóa đầu tiên năm 1998 đến nay. Với hơn 40 năm kinh nghiệm giảng dạy và làm việc trong ngành YHCT, Cô đã có những chia sẻ hết sức tâm huyết về các vấn đề liên quan đào tạo thạc sĩ YHCT.
  • Kết thúc phiên một của buổi tọa đàm, toàn thể cán bộ viên chức Khoa YHCT, học viên và cựu học viên tiến hành thực hiện lễ dâng hương tưởng niệm tại khu tượng Thiền sư Tuệ Tĩnh để tưởng nhớ đến ngày giỗ của vị đại danh y này.
  • Tiếp tục phiên hai của buổi tọa đàm là phần báo cáo tham luận của BS. CKII. Hà Thị Hồng Linh – Phó Giám đốc Bệnh viện YHCT TP. Hồ Chí Minh, đại diện phía nhà tuyển dụng. Lãnh đạo bệnh viện đánh giá cao về chất lượng đạt chuẩn đầu ra của học viên thạc sĩ của Khoa Y học cổ truyền cả về hoạt động nghiên cứu khoa học và năng lực chuyên môn nghề nghiệp.
  • Cuối cùng là phần tham luận của cựu học viên ThS. BS. Hạ Chí Lộc và học viên BS. Lê Ngọc Phương Quỳnh cùng chia sẻ về những trải nghiệm, thuận lợi, khó khăn và đề xuất để chương trình đào tạo thạc sĩ ngành Y học cổ truyền ngày càng nâng cao chất lượng, đáp ứng chuẩn đầu ra và ý kiến các bên liên quan.

         Kết thúc buổi tọa đàm, PGS. TS. Trịnh Thị Diệu Thường đã có đôi lời phát biểu tổng kết và gửi lời cảm ơn sâu sắc, lời chúc sức khỏe đến các bên liên quan đã dành thời gian đến tham dự buổi tọa đàm.

         Dưới đây là một số hình ảnh: